Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác tuyên giáo. Người đã có những lời dạy rất giá trị, vô cùng quý báu về công tác này. Bác xác định: Công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng ta, dân tộc ta.
'
Tại hội nghị tuyên giáo miền núi, ngày 31-8-1963, Bác đã nói: “Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi cho đồng bào; một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”. Để mưu lợi cho nhân dân và tránh tệ hại cho nhân dân, Bác chỉ rõ: Tính Đảng là nguyên tắc và nền tảng của công tác tuyên giáo, nó bảo đảm cho các hoạt động tuyên giáo của Đảng giữ vững lập trường giai cấp công nhân, phục vụ nhân dân; tính khoa học của công tác tuyên giáo phải luôn luôn xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở giải thích cho nhân dân hiểu một cách có căn cứ khoa học những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, để từ đó, họ hành động tự giác, có hiệu quả. Bác còn chỉ rõ: Quá trình tiến hành công tác tuyên giáo phải đảm bảo tính chân thực, để nhân dân nhận thức đúng và hành động đúng đường lối của Đảng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chính là một tấm gương sáng, một mẫu mực tuyệt vời về công tác tuyên giáo phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ nhân dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, nêu cao ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước vận mệnh đất nước, ở mỗi thời kỳ cách mạng, mỗi chặng đường lịch sử dân tộc. Để hoạt động tuyên giáo có hiệu quả, Bác đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”. Bác còn đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Bác nhấn mạnh: Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo của địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, 93 năm qua, trên suốt chặng đường dài cách mạng, trong kháng chiến và kiến quốc, Đảng ta luôn khảng định công tác tuyên giáo có vai trò đặc biệt, là một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mọi thời kỳ, mọi chặng đường đất nước. Những năm qua, trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác tuyên giáo đã có nhiều tiến bộ, từng bước vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy phong trào cách mạng của nhân dân, tạo ra những nhân tố cơ bản để cả nước phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng.
Những năm qua, công tác tuyên giáo đã thực sự giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó, kiên định và nỗ lực phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển.
Đặc biệt, mấy năm nay, triển khai nghiêm túc Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” công tác tuyên giáo nói chung đã góp phần có hiệu quả vào giải quyết đúng đắn những vấn đề cấp thiết đặt ra, tạo được sự chuyển biến thật sự, xây dựng được các phong trào của nhân dân, hoàn thành tốt những mục tiêu và những nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân tin tưởng giao phó./.