I. Bối cảnh của đề tài
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp.
Xuất phát từ thực trạng đó, ngày 5/8/2008, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một trong những mục tiêu mà Nghi quyết hướng tới là “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”…
Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26, đặc biệt để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; ngày 20/2/2013 thủ tướng ban hành Quyết định 342/QĐ-TTg năm 2013 sửa đổi tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; tiếp đó ngày 17/10/2016 thủ tướng ban hành Quyết định 1980/QĐ-TTg năm 2016 Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 thay thế cho Quyết định số 491 và 342. Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; tiếp đó Thủ tướng ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg năm 2013 bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; ngày 16/8/2016 Thủ tướng ban hành Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 thay thế cho quyết số 800 … và ngày 8/3//2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025 Đây là những chủ trương mang tính chiến lược mở ra vận hội mới vô cùng quan trọng cho phát triển đất nước, trực tiếp là phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, làm thay đổi cơ bản nông thôn.
II. Lý do chọn đề tài
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; tiếp đó Thủ tướng ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg năm 2013 bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; ngày 16/8/2016 Thủ tướng ban hành Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 thay thế cho quyết số 800 và ngày 8/3//2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025. Xác định đây là chủ trương đúng đắn có tính bước ngoặt trong lộ trình thực hiện Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, Cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng như huyện Hương Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt để xây dựng và phát triển nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và sau đó là Quyết số 1980/2016/QĐ - TTg, ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay huyện nhà đã đạt 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn NTM năm 2021. Xã Sơn Lĩnh đang tập trung quyết liệt để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.
Đối với xã Sơn Lĩnh trong những năm qua đã tập trung xây dựng Nông thôn mới và đã đạt được một số kết quả khá khả quan, đời sống Nhân dân có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là nhận thức của cán bộ và Nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên là một xã nghèo, xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế dẫn tới chương trình xây dựng NTM ở địa phương diễn ra còn chậm, hiệu quả thực hiện chương trình chưa cao, tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng. Đến hết năm 2017, số tiêu chí đạt được mới 11/20 tiêu chí. Song với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt, sâu sát của người đứng đầu và sự đồng thuận vào cuộc của Nhân dân nên cuối năm 2019 xã Sơn Lĩnh đã được Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn NTM đây là niềm vinh dự cho cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân xã nhà, đồng thời củng là trách nhiệm lớn cho cấp ủy chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục phấn đấu nhằm nâng cao các tiêu chí, duy trì phong trào trong xây dựng NTM và củng là cơ sở để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà BCĐ nông thôn mới huyện giao, đưa xã nhà về đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2022. Hiện nay xã đã có 40 vườn mẫu; 03 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao; 5/7 khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu; 01 cụm mẫu “ Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” theo tiêu chí của huyện.
Xác định để được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải phấn đấu đạt 20/20 tiêu chí, tiêu chí nào củng khó, cần phải tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là sự hưởng ứng, vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân. Nhưng có lẽ tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí được đánh giá khe khắt nhất, khó nhất, xác định NTM không chỉ là cuộc sống người dân ấm no, diện mạo nông thôn thay đổi, mà còn đòi hỏi chất lượng sống, môi trường sống phải được nâng lên, mỗi người dân phải được sống trong môi trường trong lành, hít thở không khí trong lành. Chính vì vậy, Cấp ủy, Chính quyền xã Sơn Lĩnh ngay từ đầu đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần quyết tâm, kiên trì để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 103 của HĐND huyện; đề án về xử lý rác thải tại nguồn của UBND Huyện và thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao.
Từ những định hướng và bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với cương vị là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ chỉ đạo, Ban quản lý chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xã. Tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp “Trong lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ có hiệu quả các giải pháp thực hiện đề án xử lý rác tại nguồn để đạt tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao” với mục đích rút ra những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện chương trình đảm bảo đúng kế hoạch đã được các cấp phê duyệt; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã, nhằm duy trì phong trào, nâng cao và bền vững các tiêu chí đã đạt để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
III. Phạm vi đối tượng nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Lĩnh trong những năm vừa qua, báo cáo sáng kiến kinh nghiệm nhằm đề xuất một số giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của xã trong thời gian tới, đặc biệt là tiêu chí môi trường.
IV. Mục đích nghiên cứu
- Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về Nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới.
- Đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém trong xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Lĩnh trong những năm qua.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Lĩnh trong thời gian vừa qua cũng như trong những năm tới.
V. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu:
Gồm có các giải pháp cụ thể thực hiện xây dựng Nông thôn mới trong thời gian qua và để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao xã Sơn Lĩnh, cụ thể:
- Nắm chắc các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, coi trọng công tác tuyên giáo, dân vận, vận động Nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, xây dựng mô hình điểm cho Nhân dân học tập, làm theo, đúc rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
- Ưu tiên lựa chọn các nội dung tiêu chí thực hiện cần ít vốn, dễ làm trước, chú trọng đầu tư cho phát triển sản xuất, coi trọng việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
- Phát huy nội lực của Nhân dân đóng góp cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và từng nội dung công việc, tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân an tâm đầu tư.
- Tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành kiên quyết của chính quyền, nêu cao vai trò lãnh đạo của các chi bộ Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công khai, dân chủ, tạo được phong trào thi đua trong quần chúng. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, gắn bó với Nhân dân để tích lũy kinh nghiệm và ngày càng trưởng thành.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, năng lực quản lý, điều hành của Chính quyền; kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã.
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng NTM.
- Tăng cường cuộc vận động xã hội sâu rộng xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung cao phát triển sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế và sự chủ động sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình điểm đã được lựa chọn và tiếp tục xây dựng các mô hình điểm mới trên các lĩnh vực tạo sức lan tỏa trên diện rộng.
- Phải thường xuyên thực hiện tốt có hiệu quả các phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, những gương người tốt việc tốt, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới; định kỳ, sơ kết, tổng kết đánh giá sâu từng nội dung để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.
- Tạo thói quen làm việc khoa học, năng động cho cán bộ từ xã đến thôn, thay đổi nhận thức tư duy của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về xây dựng nông thôn mới, loại bỏ tư duy cổ hủ cho việc xây dựng nông thôn mới là chương trình dự án đầu tư của Nhà nước. Với phương châm hoàn thành xây dựng nông thôn mới chính là sự ghi nhận của Nhân dân và sự hài lòng của người dân, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân phải được nâng lên.
PHẦN NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nông thôn mới không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, mà là vấn đề kinh tế - chính trị tổng hợp. Xây dựng nông thôn mới giúp cho nông dân có niềm tin, trở nên tích cực, chăm chỉ, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
* Đặc trưng nông thôn mới
- Kinh tế phải phát triển, đời sống về vật chất và tinh thần của dân nông thôn ngày càng được nâng cao;
- Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ;
- Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển;
- An ninh tốt, quản lý dân chủ;
- Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
II. Thực trạng vấn đề khi xã chưa đạt chuẩn NTM.
Sơn Lĩnh là xã miền núi vùng IV của huyện Hương Sơn, cách trung tâm Huyện 15 Km về phía Tây, phía Bắc giáp xã Sơn Lâm, phía Nam giáp Sơn Tây, phía Đông giáp Quang Diệm, phía Tây giáp Sơn Hồng. Có tuyến đường huyện lộ (Tây - Lĩnh - Hồng) chạy qua với chiều 8,7km. Với diện tích tự nhiên trên 1.948,81ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.306,04ha ( chiếm 67,02%), đất phi nông nghiệp 180,73ha ( chiếm 9,27%). Là xã thuần nông, lực lượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chiếm 95%, đời sống đại bộ phận Nhân dân hết sức khó khăn, không có ngành nghề phụ. Là một xã khó khăn vùng sâu của huyện Hương Sơn đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Toàn xã có 7 thôn, 11 chi bộ Đảng. Là một xã có địa hình đồi núi, diện tích qũy đất chật hẹp để xây dựng phát triển mô hình theo hình thức trang trại, gia trại còn gặp nhiều khó khăn; dân cư phân bố chưa đồng đều giữa các thôn, nhiều thôn còn hết sức khó khăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng nông thôn mới củng trong phát triển kinh tế.
Điều kiện về vị trí địa lý, đặc điểm của điều kiện tự nhiên, xã hội nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo còn cao khiến cho việc huy động các nguồn lực gặp nhiều khó khăn nhằm thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân để phát triển kinh tế, mặt khác xã Sơn Lĩnh thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm, giúp đỡ của Huyện ủy, UBND và ban ngành cấp huyện.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, bám sát tình hình cụ thể của địa phương đề ra những chủ trương, Nghị quyết và các giải pháp đúng đắn, kịp thời, phù hợp, (nhất là đã xác định đúng tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới); với từng thời điểm; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nói đi đôi với làm, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chụi trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò nêu gương của người đứng đầu được phát huy; sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và Nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn thể Nhân dân, kết hợp đối ngoại thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXII đã đề ra.
- Những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng Nông thôn mới xã nhà:
+ Về mặt thuận lợi: Có bộ tiêu chí rõ ràng để bám sát các tiêu chí theo từng công việc cụ thể ( ngoài của Trung ương thì tỉnh nhà đã ban hành bộ tiêu chí riêng cho Hà Tĩnh, quy mô, phạm vị áp dụng lớn, khi hoàn thành sẽ mang tính bền vững cao.
+ Về mặt khó khăn:
Điểm xuất phát thấp, diện tích rừng ít chủ yếu là đồi trọc, giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, giá các loại sản phẩm nông nghiệp giảm sâu Nhân dân không mặn mà sản xuất chăn nuôi, không có ngành nghề phụ, mặt bằng dân trí còn thấp, chưa đồng đều đây chính là những khó khăn cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới.
Sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, Chính quyền đôi lúc, đôi nơi còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự quyết liệt, vai trò người đầu đôi lúc, đôi nơi chưa được phát huy tối đa; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhiều lúc còn lúng túng nên hiệu quả không cao, Vai trò của Mặt tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội chưa thực sự tích cực vào cuộc lăn lộn với phong trào, còn lúng túng trong phối hợp; ý thức của người dân chưa cao; nguồn vốn còn hạn hẹp.
Các chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện, đánh giá, giám sát, sơ, tổng kết thực hiện Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, các bộ phận chuyên môn, thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý chưa xác định rõ được mục tiêu, nhiệm vụ của mình, chưa xây dựng được khung kế hoạch thực hiện từng tiêu chí lĩnh vực mình phụ trách, Ban phát triển thôn còn mang tính hình thức chưa phát huy được vai trò của mình nên quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình còn nhiều lúng túng.
Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Hương ước, Quy ước nông thôn trên một số lĩnh vực chưa thật sự sâu rộng, công tác kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa Chính quyền, Mặt trận các tổ chức đoàn thể còn hạn chế chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền còn thụ động chưa thực sự đa dạng và sâu rộng, phương pháp tuyên truyền còn cứng nhắc, rập khuôn.
Trình độ, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.
III. Các giải pháp để tiến hành giải quyết các vấn đề
Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, nhằm rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa thành thị và nông thôn. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương và là chương trình tổng quát, bao hàm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh. Sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình, trên cương vị là một đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện các phong trào của địa phương. Tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp, cụ thể như sau:
- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, trong đó cấp ủy Đảng chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện, tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận động mọi tầng lớp Nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để người dân biết, hiểu, đồng thuận từ đó tích cực tham gia một cách tự nguyện và bản thân mỗi một người dân phải xác định được việc xây dựng nông thôn là nhằm phục vụ lại người dân và người dân phải là chủ thể trong việc tuyên truyền, vận động và xây dựng nông thôn mới; Tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân về mục đích ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi một người dân trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm lấy sức dân để lo cho dân.
- Cơ chế chính sách phải đồng bộ và nhất quán phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng miền. Chính sách phải công khai, minh bạch, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phong tục tập quán của người dân.
- Tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong việc hiến đất, hiến cây, hiến tài sản và đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn, thông qua đó có nhiều hộ vận động nhau phấn đấu cố gắng để được biểu dương, khen thưởng trong việc ủng hộ xây dựng nông thôn mới, từ đó nhằm tạo ra và khơi dậy phong trào mạnh mẽ lan tỏa trong Nhân dân.
- Công tác kiểm tra, rà soát xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể chương trình phải đảm bảo khách quan và sát với điều kiện thực tế. Việc quy hoạch các điểm, các công trình phải được đưa ra bàn bác thống nhất từ cơ sở, trưng cầu ý dân để mọi người dân đều được biết, tham gia góp ý.
- Tiến hành kiểm tra, rà soát và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo cán bộ chuẩn hóa về chình độ chuyên môn nghiệp vụ củng như về lý luận chính trị nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới củng như các nhiệm vụ được giao.
- Thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Tổ giúp việc BCĐ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý phụ trách từng chỉ tiêu và phụ trách chỉ đạo các thôn triển khai thực hiện đảm bảo sát với thực tế và chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ, các nhóm tiêu chí hằng ngày, hằng tuần từ đó kịp thời rút kinh nghiệm có giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá, xếp loại đề bạt, quy hoạch và đào tạo cán bộ.
- Thực hiện nhiều biện pháp tăng cường huy động nguồn vốn, lồng ghép các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn… Ngoài ra, xã phải huy động tối đa nguồn lực tại địa phương, tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương như: đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; hiến đất làm đường, cơ sở vật chất trường học đáp ứng việc dạy và học của giáo viên và học sinh, nhà văn hóa, khu liên hợp thể thao, trạm y tế...
- Thường xuyên cập nhật và đưa tin về tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã thông qua các bản tin, trang thông tin điện tử xã, nhóm zalo BCĐ, hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn và thông qua các cuộc giao ban, họp thôn; cập nhật, đưa tin các mô hình điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay, cách làm hay đem lại hiệu qủa kinh tế cao của các thôn trong xã nhằm phát động toàn dân chung sức, đồng lòng cùng nhau thi đua xây dựng nông thôn mới, với phương châm toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức các đợt phát động thi đua chuyên đề về thực hiện các tiêu chí như: Phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn; Phong trào thi đua vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; Phong trào vệ sinh môi trường ngày chủ nhật xanh; Phong trào thi đua giúp nhau chỉnh trang nhà cửa để đạt tiêu chuẩn nhà sạch, vườn đẹp, hội phụ nữ tích cực tham gia phong trào “ 5 không, 3 sạch” , mô hình 5 có, gắn biển mô hình nhà sạch, vườn đẹp... Công tác tổ chức các đợt thi đua phải giao cho các tổ chức trực tiếp phát động và phụ trách; phải cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của tổ chức Mặt trận và các thành viên; Các đợt phát động phải cử cán bộ phụ trách cụ thể từng thôn để chỉ đạo, điều hành và báo cáo cập nhật kết quả bằng hình ảnh về BCĐ qua nhóm Zalo.
- Đối với các tiêu chí đã đạt phải thường xuyên rà soát, củng cố và duy trì vững chắc. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện và kịp thời tổng hợp các vướng mắc để báo cáo BCĐ xã xem xét bàn bạc, thống nhất giải quyết. Nếu vượt khả năng, phải kịp thời báo cáo BCĐ huyện xem xét chỉ đạo.
- Hằng tuần, tháng, quý phải giao ban nông thôn mới do đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã chủ trì hội nghị đánh giá, rà roát các tiêu chí, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan không hoàn thành từ đó có giải pháp để tổ chức thực hiện; yêu cầu các cán bộ, công chức báo cáo, giải trình rõ lý do khách quan, chủ quan dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ do lãnh đạo giao. Đồng thời biểu dương, khích lệ kịp thời các đồng chí cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn hoàn thành tốt, suất sắc nhiệm vụ.
- Phải xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng lâu dài, chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm kết thúc, không phải một sớm một chiều là có thể hoàn thành được, mà tiêu chí quan trọng nhất đó là sự hài lòng của người dân. Chính vì vậy phải chỉ đạo quyết liệt làm đến đâu bền vững, chắc các tiêu chí đến đó, không nóng vội đốt cháy giai đoạn, không chạy theo thành tích, xây dựng nông thôn mới phải thực sự bền vững và lấy sự hài lòng của người dân để làm thước đo đánh giá sự thành công.
- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm, người đứng đầu phải thực sự tận tâm, tận lực tâm huyết, lăn lộn với phong trào từ đó tạo cho cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn có niềm tin. Người đứng đầu phải thực sự sâu sát cơ sở, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà cấp dưới không đủ năng lực, thẩm quyền để xử lý, tuyệt đối tránh hiện tượng ngại va chạm, đùn đẩy cho cấp dưới, né tránh, phải biết hi sinh vì tập thể, người đứng đầu không chịu hi sinh, không chịu khổ trước thì đừng đòi hỏi cấp dưới hi sinh. Như vậy sẽ không tạo được niềm tin và chỗ dựa củng như sự phấn khích của cấp dưới.
- Khi cơ sở khó khăn, vướng mắc thì các phòng ban chuyên môn cấp huyện củng như lãnh đạo huyện phải hết sức quan tâm để chỉ đạo và hỗ trợ cấp cơ sở, không nên phó mặc cho cấp dưới, cấp trên phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho cấp xã. Cần tiếp thu các ý kiến nguyện vọng chính đáng của cơ sở để có biện pháp tháo gỡ.
- Phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc nhắc nhở đến tận thôn một cách thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc đồng thời điều chỉnh định hướng đúng để tiếp tục triển khai thực hiện.
- Như Bác Hồ kính yêu đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì thế phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngủ cán bộ, giáo dục, ý thức phẩm chất người cán bộ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngủ làm công tác xây dựng nông thôn mới đủ năng lực, chủ động, sáng tạo, tâm huyết…
- Tăng cường sự lãnh đạo của Cấp uỷ đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân. Hướng mạnh công tác Dân vận, vận động quần chúng về các địa bàn thôn xóm, gần gũi Nhân dân, tăng cường đối thoại, nắm chắc tư tưởng các tầng lớp Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, việc làm và thu nhập, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…; Giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân. Mỗi cán bộ công chức phải xác định “ Ngày thứ 7, Chủ nhật là ngày của Nông thôn mới”, theo phân công, đoàn công tác thôn mình phụ trách về trực tiếp tận các thôn cùng Nhân dân triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ.
- Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và đảm bảo chế độ, chính sách cho người làm công tác tuyên truyền. Đổi mới tác phong công tác theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.Tăng cường trang bị cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền. Đa dạng hoá các hình thức, phương pháp truyên truyền.
- Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, Chính quyền, thường xuyên phối hợp giữa các lực lượng nồng cốt làm công tác dân vận; gắn công tác dân vận với công tác tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh số 34 của UBTVQH về thực hiện dân chủ ở xã trong xây dựng NTM.
- Tăng cường cuộc vận động xã hội sâu rộng xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới.
- Mục tiêu cơ bản của xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng 20 tiêu chí, là mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, là tiền đề phát triển lợi ích của người dân, động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư quyết định thành công.
- Đối với ban phát triển thôn của từng xóm cần xác định rõ xóm mình đã làm được bao nhiêu nội dung, còn bao nhiêu nội dung phải hoàn thành. Phải được chi bộ và Nhân dân bàn bạc tìm ra cách hay, cách tốt nhất. Chi ủy chi bộ, ban công tác mặt trận xóm sẽ là nòng cốt vận động Nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, vì vậy từng đợn vị xóm xác định ưu tiên những vấn đề làm trước, coi trọng công tác sơ kết, đánh giá tiến độ triển khai. Xác định rõ trách nhiệm của mọi người dân để được hiểu và thực hiện.
IV. Hiệu quả mang lại sáng kiến
Những kết quả đạt được
* Những kết quả đạt được trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cương vị là đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã, cụ thể:
- Đến nay theo Quyết định số 05 của UBND tỉnh. Xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2019. Có 40 vườn mẫu, 03 sản phẩm Ocop và 5/7 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 01 cụm mẫu “ Sáng, xanh, sach, đẹp và an toàn” theo tiêu chí huyện, gắn 152 biển “ Nhà sach, vườn đẹp”. Vì vậy Đảng ủy, Chính quyền sẽ quyết tâm duy các phong trào, tuyệt đối không để phong trào bị lắng xuống, đặc biệt là trong huy động Nhân dân tham gia các phong trào xây dựng NTM của địa phương, quan tâm đến nâng cao, bền vững các tiêu chí, có kế hoạch cụ thể cho từng năm để đến cuối 2022 đưa xã nhà đạt chuẩn NTM nâng cao một cách bền vững. Riêng năm 2022 mặc dù xã đã về đạt chuẩn nông thôn mới. Song với sự quyết tâm của người đứng đầu và đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, với quan điểm đạt chuẩn nông thôn mới đó chỉ là cái kết qủa ban đầu, là điểm xuất phát, khởi đầu cho các bước tiếp theo. NTM chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc. Vì vậy có được thành quả đó rồi chúng ta không được tự mãn, thỏa mãn với kết quả đạt được, mà cần phải duy trì được phong trào, nâng cao các tiêu chí để có tính bền vững nhằm đi đến cái đích cuối cùng là sự hài lòng của người dân. Qua 10 tháng đầu năm 2022, kết quả theo Quyết định 8456 của UBND huyện giao đã có 18/23 chỉ tiêu đạt. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao của người đứng đầu và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tin chắc rằng đến cuối năm kế hoạch sẽ hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu sẽ vượt kế hoạch giao. Hiện nay toàn xã đã cứng hóa trên 1.1km đường giao thông; trên 500m rãnh thoát nước; 300m kênh mương và nhận trên 187,6 tấn xi măng, Phấn đấu xây dựng 6 mẫu 02 khu dân cư NTM kiểu ( phấn đấu cuối năm 2022 đạt 7/7 khu dân cư mẫu), xây dựng hàng trăm mét bồn hoa, trồng mới hàng ngàn mét hàng rào xanh tại các khu mẫu, vườn mẫu, các tuyến đường trục thôn, điểm nhấn. Đặc biệt là duy trì phong trào ngày chủ nhật xanh tạo thành nề nếp trong cộng đồng dân cư; công tác xử lý rác tại nguồn được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản. Đã đưa HTX môi trường vào thu gom rác thải đạt 100% trên toàn xã.
* Quyết liệt, bài bản thực hiện có hiệu quả đề án phân loại và xử lý rác tại nguồn
Việc để được công nhận xã đạt chuẩn trong xây dựng Nông thôn mới đã quá khó, vì vậy việc duy trì và giữ vững được các tiêu chí sau khi được công nhận lại càng khó khăn gấp bội. Đây là bài học nhãn tiền cho các đơn vị đã được công nhận nhưng sau đó không duy trì phong trào và bị tụt các tiêu chí, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính quyền địa phương và cái quan trọng là niềm của Nhân dân về nông thôn mới. Đây là một thực tế sau khi về đích là có biểu hiện tự thõa mãn, xả hơi và bằng lòng với kết quả đạt được nên để phong trào xuống cấp, đặc biệt là vệ sinh môi trường ô nhiễm, cảnh quan khu dân cư nhếch nhác, cây cối um tùm che khuất tầm nhìn ....; Nắm bắt và nhận thức được điều đó, với cương vị là người đứng đầu bản thân luôn trăn trở làm thế nào để duy trì được phong trào xây dựng NTM sau khi đã được công nhận đạt chuẩn; chủ trương thì có rồi, cái quan trọng lúc này là phương pháp làm như thế nào thôi ?, vì chỉ cần một phút buông lỏng quản lý, tự thỏa mãn của người đứng đầu là phong trào sẽ khó khăn ngay, thậm chí bị rớt tiêu chí.
Chính vị vậy sau khi xã được công nhận đạt chuẩn năm 2019. Bản thân đã rất trăn trở tham mưu cho BTV, BCH tìm ra các giải pháp để làm sao cho Sơn Lĩnh duy trì được phong trào và xây dựng NTM thực sự bền vững và cái quan trọng là không đánh mất niềm tin của Nhân dân, nếu mất niềm tin của người dân xác định sẽ mất tất cả. Từ thực tiễn của các địa phương và trên cương vị, kinh nghiệm công tác củng như qua lãnh đạo, chỉ đạo phong trào NTM nói chung, phong trào vệ sinh ngày CN, thu gom rác thải, xử lý rác tại nguồn nói riêng bản thân đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong duy trì, tạo ý thức hệ, nề nếp trong Nhân dân về vệ sinh môi trường “Ngày chủ nhật xanh”; tham gia HTX môi trường, thu gom rác thải xử lý rác tại nguồn.
- Quan trọng là tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất để tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tuyệt đối không làm chiếu lệ, thành tích, nếu như vậy trước sau gì củng mất phong trào, mất đi niềm tin của Nhân dân. Cụ thể các giải pháp sau:
- Phát huy vai trò người đứng đầu trong thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, trăn trở chăm lo cho phong trào. Chỉ có người đứng đầu quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ thì mới thành công; phải luôn nhớ dù bất cứ giá nào củng phải duy trì cho bằng được phong trào nhằm tạo ý thức hệ, thành thói quen trong Nhân dân.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, với quan điểm đề ra chủ trương gì thì giám sát lại chủ trương đó và làm cho bằng được.
- Để môi trường xanh, sach, đẹp nói chung và vấn đề thu gom rác thải xử lý rác tại nguồn nói riêng thì việc đầu tiên phải xây dựng kế hoạch thật cụ thể, chi tiết và bài bản.
- Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng (Đảng ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trước trong cán bộ, đảng viên); sự điều hành quyết liệt của chính quyền và vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
- Phải triển khai đồng bộ các giảp pháp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Biểu dương gương người tốt, việc tốt, đồng thời nghiêm khắc phê bình những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt.
- Quan điểm là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ; đảng viên chỉ tuyên truyền Nhân dân, không để Nhân dân đi tuyên truyền cán bộ, đảng viên.
- Vận động 100% hộ dân tham gia HTX môi trường; đối với những trường hợp chưa tham gia thì tiếp tục cử cán bộ có uy tín đến vận động tuyên truyền khi nào được thì thôi. Còn nếu không tham gia thì lập biên bản, làm căn cứ để xứ lý nếu vi phạm môi trường.
- Cấp phát chế phẩm vi sinh Hatimíc cho các hộ dân để ủ phân; đồng thời vận động tất cả các hô dân đều có hố ủ phân vi sinh xử lý rác tại nguồn (đào hoặc xây).
- Thành lập tổ môi trường do Hội phụ nữ chủ trì đi vận động, hướng dẫn từng hộ gia đình trong vấn đề phân loại rác (bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng khác…)
- Giao cho Hội ND, Hội phụ nữ biên tập bài tuyên truyền liên quan đến môi trường, phân loại rác xử lý rác tại nguồn, phát tờ rơi hướng dẫn quy trình phân loại và xử lý rác đến tất cả các hộ dân có mặt trên địa bàn xã và đồng thời cho ký cam kết đến tận hộ dân (01 bản hộ dân giữ để thực hiện, 01 bản gửi lên UBND xã để quản lý theo dỏi giám sát).
- Có chính sách kích cầu trong xây dựng hố ủ phân vi sinh ( 200.000 đồng/hố xây) và 3 gói chế phẩm vi sinh/năm.
- Phối hợp với HTX môi trường kiểm tra việc phân loại rác của các hộ gia đình vào ngày thứ 7, lập biên bản nhắc nhở và sẽ không thu gom đối với các hộ phân loại không đảm bảo, đồng thời tổng hợp kết quả kiểm tra cho lên hệ thống phát thanh thôn, xã. Nghiêm túc phê bình các đơn vị thôn có hộ dân phân loại không đảm bảo…
- Giao cho các tổ chức chính trị, chính trị xã hội thành lập nhóm Zalo của các Hội viên, đoàn viên mình quản lý để vận động tuyên truyền, đăng các tin bài, gương người tốt việc tốt lên nhóm để tuyên truyền, tạo tính lan tỏa.
* Kết quả:
- Hiện nay Sơn Lĩnh có 100% hộ dân tham gia HTX môi trường.
- Tỷ lệ hộ gia đình có hố ủ phân vi sinh (đào hoặc xây) đạt 100%
- Rác của các hộ gia đình chỉ được phép phân loại và mang ra để HTX thu gom vào ngày thứ 7 hàng tuần. ( những trường hợp mang ra không đúng ngày yêu cầu mang vào và bị tổ môi trường xã, thôn nhắc nhở).
- Mỗi tháng 02 lần, tổ môi trường của xã sẽ phối hợp với HTX môi trường Tây Sơn đi kiểm tra xác xuất một số hộ/thôn của toàn xã để có cơ sở đánh giá việc phân loại, từ đó có các giải pháp lãnh đạo thực hiện có hiệu quả đề án. Qua kiểm tra những hộ phân loại không tốt tổ sẽ lập biên bản nhắc nhở, tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân làm tốt hơn. Nếu tại phạm HTX sẽ từ chối nhận và xem xét xử lý.
- Kết quả được gửi về tất cả các thôn, đồng thời phát trên hệ thống truyền thanh xã, thôn để toàn dân biết, giám sát.
- Gắn vai trò của từng đồng chí Đảng ủy viên vào trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện tuyệt đối tại các thôn phụ trách (mỗi thôn đều có một tổ do cấp ủy đứng đầu cùng các đc trong cán bộ, cc, bct và thành viên Ban công tác mặt trận thôn, gọi là tổ 18).
* Chính vì vậy mà việc vệ sinh môi trường của Sơn Lĩnh hiện nay phát huy rất hiệu quả, Nhân dân phấn khởi tin vào sự lãnh đạo của đảng, sự điều hành của Nhà nước. Môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Xứng đáng là miền quê đáng sống.
V. Khả năng ứng dụng và triển khai sáng kiến:
Đầu nhiệm kỳ ( Nhiệm kỳ 2020 - 2025 ) đã áp dụng các biện pháp này trong sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã Sơn Lĩnh, hướng phát triển của các bước này trong thời gian tới để đưa Sơn Lĩnh sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng một nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Lĩnh đã không ngừng nổ lực vươn lên, đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu không ngừng hướng tới đích nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao, nhiều khó khăn, thách thức vẫn còn, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Lĩnh cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm cao; cả hệ thống chính trị phải đồng sức đồng lòng, tranh thủ mọi nguồn lực và tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương và đặc biệt, cần tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm đưa sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tiến lên bền vững.